HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG A.I.D.S
Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) được tổ chức hàng năm vào ngày 1 tháng 12, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, kêu gọi các quốc gia toàn thế giới trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS để Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS với mong muốn tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
“Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.
Dịch HIV/AIDS tuy mới xuất hiện từ thập niên 80 nhưng đã nhanh chóng lan ra toàn cầu. HIV tấn công mọi đối tượng nhưng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, trẻ em. Đại dịch HIV/AIDS là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và tương lai nòi giống của các dân tộc.
Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ra đời năm 1996, đóng vai trò dẫn dắt đáp ứng toàn cầu với HIV. UNAIDS dẫn dắt và truyền cảm hứng cho toàn thế giới trong nỗ lực thực hiện tầm nhìn chung về Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS. UNAIDS tập hợp nỗ lực của 11 tổ chức Liên Hợp Quốc, gồm UNHCR, UNICEF, WFP, UNDP, UNFPA, UNODC, UN Women, ILO, UNESCO, WHO và Ngân hàng thế giới, và phối hợp chặt chẽ với các đối tác toàn cầu cũng như ở cấp quốc gia nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.
Với hình tượng dải băng đỏ, có thể là buộc ở cổ tay hoặc được để ở những nơi trang trọng, chính là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bệnh AIDS.
Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS
UNAIDS bắt đầu hỗ trợ Việt Nam ngay từ năm 1996 — năm thành lập của tổ chức. Một Cố vấn chương trình quốc gia được phái đến Việt Nam và một văn phòng nhỏ được mở tại trụ sở của Bộ Y tế cũng vào năm này, khởi đầu hoạt động của văn phòng UNAIDS tại Việt Nam.
Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao kết quả đã đạt được trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, với nhiều mô hình, sáng kiến được coi là điểm sáng trên bản đồ phòng, chống HIV/AIDS thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế chỉ tính riêng giai đoạn từ 2001 đến nay việc triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã cứu được hơn 960 nghìn người không bị nhiễm HIV.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý, xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây.
"Năm 2022, có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được báo cáo là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam. Hiện có những địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Vì vậy, những hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS nhằm kêu gọi người dân không phân biệt đối xử với người bị HIV, thực hiện tốt một số quyền cơ bản của con người như quyền được chăm sóc sứckhỏe, quyền được học hành, quyền được lao động và mưu cầu hạnh phúc. Với sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng xã hội, các ngành chức năng về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đã có hơn 70 ngàn người hưởng lợi từ các dự án chăm sóc, hỗ trợ và phòng chống HIV/AIDS.Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; kiểm soát được tốc độ gia tăng của các ca nhiễm mới HIV; giảm số người tử vong do AIDS...
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT VÀ DU LỊCH SÀI GÒN
● Thông tin chi tiết liên hệ và nộp hồ sơ tại: Trung tâm Tuyển sinh – Truyền thông – Quan hệ doanh nghiệp.
● Địa chỉ: Số 70 Tân Thới Nhất 8, Khu phố 5, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM.
● Hotline: 0914 411 012
● Email: tuyensinh@saigonact.edu.vn
● Điện thoại: 028 3883 1793 - 028 3883 1796
● Đăng ký xét tuyển: https://xettuyen.saigonact.edu.vn